Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 1/6/2015, 05:05 (GMT+7)

Cuộc sống ngột ngạt bên đường ray xe lửa Sài Gòn

Tiếng còi tín hiệu, tiếng bánh xe rầm rập lăn trên đường ray giữa đêm khuya, luôn khuấy động không gian sống bên đường tàu.

Từ khoảng 2h30 sáng, những chuyến tàu Bắc - Nam đầu tiên từ Hà Nội bắt đầu về ga Sài Gòn đã phá tan sự yên tĩnh của những khu dân cư hai bên đường ray. Vị trí nhà ga Sài Gòn hiện tại nằm ngay trong trung tâm nội thành ở quận 3. Trước khi kết thúc hành trình dài 1.729 km, các đoàn tàu phải đi qua 5 quận nội thành TP HCM: Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3.

Dừng lại chờ tàu qua trên đường đi làm mỗi ngày là khoảng thời gian quen thuộc trong lịch trình của những người dân sống trong khu vực gần đường tàu. Anh Tuấn 35 tuổi sống ở phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết: “Cứ sáng đi làm ngừng chờ một chuyến, chiều đi về chờ một chuyến xe lửa, riết cũng quen nhưng vẫn thấy bất tiện”.

Mỗi khi tàu đi qua khu dân cư, tiếng còi tín hiệu tàu, đầu máy kéo, tiếng bánh xe lăn trên đường ray tạo ra một hợp âm ồn ào trong vài phút, rồi lại đến chuyến tàu sau.

Do tai nạn đường sắt thường xuyên xảy ra khi tàu đi qua khu vực nội thành, một hàng rào sắt đã được dựng lên để bảo vệ an toàn dọc theo tuyến đường ray. Tuy nhiên, hàng rào gây ra sự bất tiện cho việc di chuyển qua lại hai bên đường của người dân. Nhiều khe hở lớn trên hàng rào bị phá là giải pháp để người dân đi chui hàng chục lần trong ngày giữa hai bên đường tàu một cách nhanh chóng.

Những lúc vắng tàu, người dân sử dụng không gian hai bên đường ray như một phần trong diện tích nhà mình. Vườn rau, vườn hoa nhỏ được trồng tự phát xuất hiện nhiều dọc theo tuyến hành lang an toàn đường sắt. Ông Hoành, 73 tuổi, ở quận Phú Nhuận, cho biết: “Chủ yếu tạo cảnh quan cho đẹp, lấp chỗ trống để không bị vứt rác thôi, chứ trồng rau trên đất này khó ăn được lắm”.

Ở một khu vực khác không được trồng trọt, đường ray trở thành nơi tập kết rác. Có hàng trăm bãi rác tự phát dọc theo tuyến đường ray nội thành, một phần rác từ những hành khách đi tàu xả xuống, phần lớn còn lại là rác sinh hoạt do người dân sống xung quanh thải ra hằng ngày. 

Những con đường nhỏ hẹp hai bên đường ray là lối đi của nhiều phương tiện giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nhiều hộ dân sống hai bên để đồ đạc buôn bán và xe cộ lấn ra càng khiến con đường trở nên chật chội.

Sống bên đường ray cũng đồng nghĩa với việc người dân chen chúc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Những ngôi nhà bên đường ray thường rất chật hẹp. Nhà bà Nga, 62 tuổi, phường 9, quận Phú Nhuận sau nhiều lần mở rộng lộ giới đường bộ hai bên đường tàu giờ chỉ còn 5 m2. Bà Nga kể: "13 người cùng sống trong cái nhà nhỏ này không đủ nên tháng nào cũng phải thuê thêm gian nhỏ kế bên, nhà này đến con nít cũng không có chỗ chơi phải nhốt trên gác suốt ngày”.

Ở quận Gò Vấp, nhiều hộ dân xây dựng thêm không gian sinh hoạt lấn ra hành lang an toàn đường sắt. Gia đình chị Phương ở phường 1, quận Gò Vấp, dựng thêm nhà bếp để nới rộng không gian trong nhà vốn đã bị thu hẹp. Nhiều hộ dân lân cận còn mở rộng diện tích bằng cách xây một tầng hầm ngay trong nhà.

Về đêm những chuyến tàu tất bật đến tận 22h, sau thời gian này nhịp sống hai bên đường tàu lại trở về sự vắng vẻ. Đã nhiều lần phương án di dời ga Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành được đem ra thảo luận nhưng cuối cùng chưa thành hiện thực. Người dân dù gắn bó với cuộc sống đường tàu từ lâu nhưng vẫn ước mong một ngày nhà ga được di dời để không gian sống đỡ phần ngột ngạt hơn.

Đào Đức Thành