Thứ ba, 19/3/2024
Thứ sáu, 6/3/2015, 00:01 (GMT+7)

Mâm cúng rằm tháng Giêng của gia đình tứ đại đồng đường

Cũng như nhiều gia đình khác, theo phong tục Việt Nam, vợ chồng ông Lê Tiến Bồng ở Hà Nội cùng con cháu đồ xôi, đơm hoa quả cho mâm cúng lễ Nguyên tiêu vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch.

Gia đình ông Lê Tiến Bồng và bà Nguyễn Thị Nhàn (đều 79 tuổi) ở ngõ 194 Đội Cấn, Hà Nội. Đây là gia đình tứ đại đồng đường truyền thống Việt Nam. Nhà ông bà ở Đội Cấn đã được gần 100 năm nếu tính từ đời bố mẹ.

Trong ngày rằm tháng Giêng, theo phong tục, mỗi gia đình người Việt có thể cúng cơm chay, hương đèn, hoa quả hoặc mâm lễ mặn, xôi gà, cơm canh thành kính dâng lên tổ tiên. Con bà Nhàn đi chợ từ 6h sáng mua đồ để sửa soạn mâm cơm cúng rằm. Còn bà trông chắt cho các con, các cháu đi làm.

Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, mỗi vùng miền có thể khác nhau. Tuy nhiên dù mâm cúng đơn giản hay đầy đủ thì đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn.

Đĩa xôi gấc không thể thiếu trên mâm cơm cúng rằm của gia đình bà Nhàn. Xôi đã được đồ trước khi cúng một lúc để vẫn dẻo khi lễ xong.

Ông Bồng thắp hương chuẩn bị lễ. Mâm cúng đã xong từ chiều, song con cháu ông bà đi làm chưa về nên vợ chồng ông đợi đến tối cả nhà về đầy đủ mới ăn cơm.

Trong khi chờ đợi hạ mâm để vui vầy sum họp gia đình trong bữa cơm tối ngày rằm, bà Nhàn thắp hương bàn thờ xin tổ tiên phù hộ cho gia đình và mọi người có một năm mới sức khỏe, may mắn, nhiều tài lộc. 

"Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng". Nhiều người cho rằng ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm.

Nhiều nhà cúng rằm xong đã hóa vàng ngay dưới lòng đường, dù Thủ đô từng có chỉ thị không đốt vàng mã nơi công cộng.

Giang Huy