Thứ sáu, 29/3/2024
Chủ nhật, 6/7/2014, 05:06 (GMT+7)

500 bức chạm trổ đầu rồng ở một ngôi đình

Đình An Cố thuộc xã Thụy An (Thái Thụy, Thái Bình) đủ sức chứa vài trăm người, gây ấn tượng với các chạm trổ công phu, tinh xảo.

Đình An Cố cùng với đình Trà Cổ (Quảng Ninh) và đình Hàng Kênh (Hải Phòng) là ba ngôi đình cổ và lớn nhất vùng ven biển Bắc Bộ. Ngôi đình được dựng trên vùng đất cao giữa làng, không gian thoáng đãng, sông nằm trước mặt, xung quanh xóm làng quần cư.

Ngôi đình là khối kiến trúc đồ sộ tiêu biểu cho nền kiến trúc và mỹ thuật của thời giai đoạn cuối của nhà hậu Lê. Đình được khởi dựng năm 1527, khánh thành năm 1528 vào thời Mạc Đăng Dung. Thềm dài 18 m, rộng 12 m, lát đá phiến bào gọt.

Người trông coi đình cho biết, bộ cửa bức bàn cũ được chạm khắc hoa văn kỳ công qua thời gian đã bị hỏng. Khi trùng tu, thợ mộc không thể bắt chước được những nét chạm của người xưa nên đành thay bằng bộ cửa trơn.

Đình đủ sức chứa vài trăm người. Các mảng chạm thể hiện sinh động bối cảnh xã hội và các sự kiện lịch sử thời kỳ này.

Các vì trung tâm, vì hồi, vì nách đều được chạm trổ hoành tráng, tinh xảo với 500 bức đầu rồng.

Hệ thống đầu dư đồ sộ, 4 dư chính dài 1,2 m, dày 0,4 m, cao 0,8 m, mỗi dư chạm nhiều đầu rồng, tỉ mỉ đến từng sợi râu, chiếc vẩy rồng.

Nội thất kiểu chồng rường, hệ thống rường, xà kết thành mảng, tổng cộng trong đình có 56 mảng chạm.

Bức cửa võng cao 1,2 m, rộng 3,8 m có gần trăm mảng chạm hình rồng, phượng. Hệ thống hai tầng cửa võng với rồng cõng đài sen, rồng kéo đầu võng, có chỗ lại cuộn thành lớp lớp, râu bờm dựng ngược, quấn quýt lấy nhau.

Trên các mảng chạm chủ yếu là tứ linh, chim phượng bay nhảy đủ các tư thế, rồng trên ấp, dưới leo, chỗ lại như cưỡi mây du ngoạn.

Một bức chạm thể hiện rồng lớn, rồng nhỏ đối nghịch nhau. Rồng và lửa là đề tài phổ biến được thể hiện trong điêu khắc hai triều Lê, Mạc. Đây là thời kỳ mâu thuẫn chính quyền phong kiến Lê - Trịnh, Lê - Mạc tranh chấp quyền lực lên tột đỉnh.

Đình có tổng cộng 46 cột gỗ lim, đường kính 40-50 cm. Một số cột bị hư hỏng được thay thế bằng cột lim mới, số còn lại là các cột cũ tồn tại gần 500 năm.

13 đạo sắc phong của các triều đại còn nguyên triện đỏ được lưu giữ cẩn thận trong đình.

Hoa văn cầu kỳ ở bên ngoài phần gỗ dựng đình. Trong kháng chiến chống Pháp, đình An Cố là cơ sở của bộ đội Việt Nam.

Đình An Cố và chùa Keo (Vũ Thư) là hai di tích đầu tiên của tỉnh Thái Bình được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.

Hoàng Phương