Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 16/4/2014, 08:48 (GMT+7)

Bảo tàng cổ vật ở Bát Tràng

Nằm cuối làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), nhà Vạn Vân với mái phủ kín cây xanh chứa hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15 đến 19.

Vạn Vân do anh Trần Ngọc Lâm, Hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, xây dựng vào năm 2002. "Vạn Vân có ý nghĩa là những áng mây lành hội tụ. Nơi đây lưu giữ sản phẩm của các làng nghề, nhiều nhất là gốm sứ Bát Tràng", anh Lâm cho biết.

Ở đây trưng bày những sản phẩm cổ của làng Bát Tràng như lọ rồng, ấm men lam, bộ khuôn bản dập làm gốm... Không chỉ lưu giữ cổ vật, bản thân ngôi nhà cũng là khối kiến trúc đặc biệt. Rộng hơn 400 m2, Vạn Vân gồm ba ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi và một khu xưởng mô phỏng lò gốm. Một nhà có sẵn ở làng, hai nhà còn lại được anh Lâm mua lại và di dời từ Nam Định, Thái Bình lên.

Bộ cửa bức bàn bằng gỗ lim hàng ngày mở rộng để đón khách và ánh sáng tràn ngập vào nhà. Ngay gian chính bày những đồ gốm cổ của làng.

Anh Lâm mất hơn 10 năm đi khắp đất nước để sưu tầm cổ vật và đưa về Vạn Vân. "Làng gốm Bát Tràng là nơi những cổ vật này ra đi, cũng là nơi chúng trở về", anh cho biết.

Mỗi căn nhà cổ có 5 gian, 2 chái, 24 cột gỗ lim, tất cả đều nguyên bản.

Họa tiết rồng cách điệu thường thấy trong nhà cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hình rồng linh thiêng với quan niệm mang lại linh khí, thịnh vượng cho ngôi nhà cũng như chủ nhân.

Nét chạm trổ thể hiện sự tài hoa của người thợ mộc xưa.

Phần giáp ranh giữa hai ngôi nhà cổ được làm kín đáo. 

Cây vảy ốc leo phủ kín mái nhà tạo không gian xanh mát cho Vạn Vân.

Anh Lâm không cho xây tường bao bọc quanh các ngôi nhà cổ mà để cho không gian được tự nhiên nhất.

Đi hết hai dãy nhà cổ dựng bằng gỗ lim, khách đến ngôi nhà cổ thứ 3 được xây bằng gạch Bát Tràng. Chủ nhân trước của ngôi nhà biết ý định của anh Lâm nên đồng ý nhượng lại làm bảo tàng trưng bày cổ vật.

Phía sau cùng là xưởng gốm, bày những sản phẩm hiện đại của làng gốm Bát Tràng.

Cổ vật giá trị nhất là đôi lọ họa tiết rồng cao 90 cm, nước men trắng ngà có từ thế kỷ 19. Đôi lọ vốn là báu vật gia truyền được một gia đình ở Nam Định nhượng lại bởi không đủ điều kiện trông coi, gìn giữ.

Lọ tam lân cao 50 cm từ thế kỷ 19. Những hiện vật này đều thuộc dòng men ngà, đắp nổi, cốt xốp đặc trưng của làng gốm.

Ngoài cổ vật, Vạn Vân trưng bày và bán cả đồ mỹ nghệ bằng gỗ, đồng.

Bức tranh sen bằng sơn dầu của họa sĩ Phan Hòa được treo trên tường gạch.

Bên hiên nhà phủ đầy bóng cây xanh, chủ nhân khéo léo đặt những bộ bàn ghế gỗ, chõng tre để khách ngồi nghỉ chân, thưởng trà, xem gốm.

Vạn Vân mở cửa đón khách tham quan từ 8h đến 17h30 hàng ngày. Vào cuối tuần, ngôi nhà đón hàng trăm lượt khách đến thăm. Nhiều khách nước ngoài và bạn trẻ thích thú bởi không gian xanh mát, cổ kính của ngôi nhà và quan trọng là tìm hiểu về gốm sứ Việt Nam.

Phương Hòa