Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 3/4/2014, 09:13 (GMT+7)

Có hai bằng đại học vẫn theo nghề thợ bạc gia truyền

Tốt nghiệp khoa Luật và Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân, Tuấn Anh quyết định theo nghề làm đồ bạc của cha là nghệ nhân Quách Văn Trường.

Nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Định Công Thượng (Hà Nội), xưởng chế tác, đậu bạc nằm ngay trong nhà nghệ nhân kim hoàn Quách Văn Trường, có 4-5 thợ cặm cụi làm việc.

Tuổi ngoài 70 cộng thêm di chứng chiến tranh, ông Trường không thể tiếp tục làm nghề. Dù vậy, hàng ngày ông vẫn miệt mài chỉ bảo cho thợ. Năm 2004, khi được Nhà nước phong nghệ nhân, ông xin phép mở lớp dạy nghề với 28 học viên. Sau 10 năm, chỉ còn khoảng 10 người trụ lại với nghề.

Anh Quách Phan Tuấn Anh, con út của nghệ nhân Quách Văn Trường, đã nối nghiệp cha được 10 năm. Tốt nghiệp hai đại học nhưng khi nhìn thấy nghề truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất, anh nghĩ mình cần có trách nhiệm bảo tồn. Thu nhập thấp, công việc lúc có, lúc không nhưng chính sự sáng tạo và lòng yêu nghề đã giúp anh cùng những người thợ khác trụ lại.

Tuấn Anh cho biết, anh đã nhiều lần kêu gọi thanh niên theo học nghề. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm luôn là một vấn đề nan giải. Người thợ kim hoàn bây giờ, ngoài đôi bàn tay còn cần khả năng nắm bắt thị hiếu, kinh doanh mới có thể tồn tại.

Sản phẩm đậu bạc được ít người biết đến, không thể sản xuất hàng loạt. Thời kỳ đầu công việc không có, nhiều người phải bỏ nghề. Ông Trường cho biết, để sống bằng nghề cần phải tạo ra các tác phẩm độc đáo, khác biệt.

Khác với trơn bạc hay chạm bạc, đậu bạc không dùng khuôn mà làm thủ công ở tất cả các khâu. Do vậy, các tác phẩm cũng một mẫu mã nhưng luôn có những đường nét, chi tiết khác nhau. Làng Định Công nổi bật với thế mạnh đậu nhưng thợ kim hoàn luôn cần biết cả ba kỹ năng trơn, chạm, đậu.

Quy trình đậu bạc truyền thống trải qua nhiều giai đoạn như nấu, cán, kéo, se, ghép... Một người thợ phải mất 7-8 năm theo nghề mới làm thành thạo, tự hoàn thiện tất cả các công đoạn.

Bạc được nấu chảy sau đó kéo nhỏ thành sợi, nhỏ nhất có thể khoảng 1 rem (1/10 ly), rồi se lại thành các chi tiết.

Tùy vào hình dáng, kích cỡ sản phẩm mà người thợ tạo hình và điều chỉnh độ dày của các sợi bạc.

Quy trình ghép trong đậu bạc đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo để không làm lộ mối hàn. Người thợ dùng bụi bạc trộn với hợp kim làm mối hàn rồi chấm lên các điểm nối.

Hơ lửa hàn phải đều tay giữ nhiệt ổn định, liên tục để bạc không bị sần, lên gân. 

Tác phẩm rồng thời Lý của nghệ nhân Quách Văn Trường mất hàng tháng trời để hoàn thiện từ hàng nghìn sợi bạc. Ông Trường chia sẻ, ông và ông Hiểu rất tích cực mang sản phẩm đi triển lãm nhằm mục đích quảng bá, phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, do quá ít người theo nghề nên không được chính quyền ưu tiên hỗ trợ.

Anh Trần Quốc Quân cũng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề. Anh Quân chia sẻ, thời gian học việc rất vất vả, lương không có, làm hỏng nhiều nhưng anh thấy ngày càng gắn bó hơn với nghề. Theo nghề lâu năm, anh Quân có công việc đều, giúp anh và gia đình ổn định cuộc sống.

Từ xa xưa, làng Định Công được biết đến là trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất đất Thăng Long với các tác phẩm tinh xảo.

Theo sử sách, vào thời Lý Nam Đế (khoảng thế kỷ VI), ba anh em Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền đã mở cửa hàng vàng bạc tại làng Định Công, tạo ra những sản phẩm tinh xảo nức tiếng cả nước. Sau chiến tranh, người làng di tản đi nhiều nơi, nghề kim hoàn biến mất khỏi làng Định Công. Mãi tới đầu thập niên 1990, ông Quách Văn Trường và người cháu Quách Văn Hiểu mới khôi phục lại nghề truyền thống của gia đình. Hơn 20 năm qua, hai nghệ nhân kim hoàn vẫn miệt mài giữ lửa nghề và đau đáu tìm cách phát triển nghề đậu bạc truyền thống đã bị mai một.

Nguyên Anh