Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 13/8/2014, 10:49 (GMT+7)

Dấu ấn thời bao cấp ở nhà máy tuổi đời hơn nửa thế kỷ

Nhà máy sứ Hải Dương ngày nay vẫn giữ lại chiếc máy xúc của những năm 70 thế kỷ trước, khẩu hiệu sản xuất thời kỳ từ bao cấp sang đổi mới, ống khói lò than từng trở thành biểu tượng của địa phương...

Nhà máy sứ Hải Dương thành lập năm 1960 sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Đến nay, nhiều khu xưởng xây dựng từ thời bao cấp vẫn còn tồn tại. Xưởng nguyên liệu được xây dựng năm 1985, hiện vẫn còn được sử dụng với những bức tường in đậm dấu ấn thời gian sau nhiều thập kỷ.

Máy nghiền đá có từ những năm 70 của thế kỷ trước vẫn được giữ lại như một kỷ vật của nhà máy, nằm im lìm tại một góc xưởng nguyên liệu. Khi mới thành lập, nhà máy sứ Hải Dương là một trong 14 nhà máy đầu tiên (cùng với Cao - Xà - Lá, Phích, Giấy... ) giúp miền Bắc độc lập tự chủ những ngành hàng thiết yếu sau chiến tranh.

​Ống khói lò nung thủ công bằng than có từ những ngày đầu thành lập nhà máy một thời là biểu tượng đầy tự hào của thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương). Ngày nay, lò nung bằng than lỗi thời đã được thay thế bằng các lò nung hiện đại, ống khói nhà máy nằm lại bên cạnh dãy nhà xưởng.​

Công nhân làm việc trong xưởng hoàn thiện sản phẩm với hệ thống trần cót ép và cửa sổ tường đặc trưng của các nhà máy xây dựng từ thời bao cấp. Nơi đây được dựng lên bởi bàn tay những người lính 9 năm đánh Pháp ở chiến trường Khu 9, Khu 7, Khu 5, Tả Ngạn... tập kết về Hải Dương năm 1959 để xây dựng nhà máy. Những người lớn tuổi kể lại, ngày đó các anh bộ đội đòn gánh trên vai, xe cút kít hối hả ngày đêm dưới băng cờ khẩu hiệu, loa đài khí thế rộn ràng, làm náo nhiệt cả thị xã.

Trong xưởng hoàn thiện sản phẩm, tấm bảng lớn đề khẩu hiệu "Vì danh dự của công ty, vì cuộc sống của mỗi người, phải nâng cao chất lượng sản phẩm" có từ năm 1990 vẫn còn treo trên tường. Đây là khẩu hiệu đặc trưng của những năm đất nước mới xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tư duy "làm đủ sản phẩm nộp nhà nước" được thay thế bằng "làm sản phẩm tốt để bán được nhiều".

Tại nhà xưởng tráng men, một băng chuyền hiện đại đã được lắp đặt... nhưng việc tráng men thủ công bằng tay người thợ lành nghề vẫn không thể thay thế.

Các cách tạo hình sản phẩm vẫn giữ được truyền thống sau nhiều thập niên.

Từng sản phẩm vẫn phải được kiểm tra cẩn thận bằng đôi mắt thợ nhiều kinh nghiệm. Chính những người thợ lành nghề đã tạo dựng thương hiệu sứ Hải Dương lừng danh một thời.

Bát ăn hoa hồng Hải Dương nổi tiếng một thời, nay vẫn được sản xuất. Thời kỳ bao cấp, nhà máy sứ Hải Dương mỗi năm làm ra 1,7 triệu sản phẩm để phân phối trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhà ăn cho cán bộ công nhân viên nhà máy xây từ năm 1970 đến nay vẫn được sử dụng.

Ô cửa nơi các chị nuôi phục vụ bữa cơm cho công nhân nhà máy vẫn giữ nguyên không khí như thời kỳ bao cấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sứ Hải Dương khi nhà máy mới thành lập. Năm 1962, Chủ tịch về thăm nhà máy, tự tay viết dòng chữ "Fải cố gắng tiến bộ" lên một bình sứ (ảnh trên). Bút tích của cụ Hồ được họa sĩ của nhà máy vẽ lại trên hơn 10 chiếc bình khác rồi đem nung. Một số chiếc trong loạt "bình sứ Bác Hồ" vẫn còn được lưu giữ như bảo vật tại nhà máy cho đến ngày nay (ảnh dưới).

Quý Đoàn