Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ năm, 1/1/2015, 06:06 (GMT+7)

Gia đình hạnh phúc của cố bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên

Để tự do lựa chọn hạnh phúc, bà Ngọc từ chối hôn nhân do gia đình sắp đặt, quyết tâm "tìm người tài đức mới trao thân gửi phận", cho đến khi gặp được Giáo sư Nguyễn Văn Huyên.

Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên tại vị 29 năm (từ năm 1946 đến 1975). Ông là người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Hơn 400 hiện vật trưng bày tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, do con cháu ông mở tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) thể hiện dấu ấn cuộc đời vị bộ trưởng cũng như tổ ấm hạnh phúc của ông. Đằng sau thành công của ông có hình bóng người vợ Vi Kim Ngọc và câu chuyện tình hạnh phúc.

Bà Vi Kim Ngọc là con gái của ông Vi Văn Định, tổng đốc Thái Bình. Bà nổi tiếng xinh đẹp lại am hiểu cầm, kỳ, thi, họa. Một bài báo năm 1936 ghi lại: "Cô Kim Ngọc và cô Kim Phú, hai ngôi sao sáng của phiên chợ Thái Bình không dự thi sắc đẹp".

Năm 1935 ông Huyên du học ở Pháp về, từ chối làm quan, chỉ đi dạy học. Ông trở thành giáo sư dạy Sử - Địa ở trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Hai người gặp nhau qua sự giới thiệu của một người bạn, cũng là trí thức Tây học. Họ kết hôn năm 1936. Thời bấy giờ, hôn nhân dựa trên tình yêu còn chưa phổ biến, bà Kim Ngọc khi mới 13 tuổi đã được hứa hôn với một gia đình môn đăng hộ đối. Để có được tình yêu của mình, tiểu thư Kim Ngọc tuổi 16 đã dám đấu tranh với cha mình là quan tổng đốc một tỉnh để hủy hôn ước. Bà đòi bằng được tự do để theo đuổi ước mơ "chọn người tài đức để trao gửi thân, nếu không gặp được đấng nam nhi hào hùng thì thà ở một mình suốt đời".

"Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh quyết chọn được người tài mới dám trao gửi thân... Thế là em đã được toại nguyện", nhật ký của bà Kim Ngọc viết. Câu chuyện từ chối hôn nhân do gia đình sắp đặt của bà minh chứng cho một xã hội đang vận động mạnh vào những năm 1930, khi "làn gió mới" phương Tây đã thấm vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân. Ngay cả cha bà Ngọc - một quan tổng đốc cũng đã đồng ý trả lễ hứa hôn trong 3 năm theo truyền thống, để con gái được tự chọn người yêu.

Chú rể Nguyễn Văn Huyên, cô dâu Vi Kim Ngọc cùng hai bên họ hàng. Ngày vui của ông bà là đám cưới lớn thuộc tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

"Khi mẹ có thai lần đầu, cha mẹ vừa mừng vừa lo, cha chăm sóc mẹ từng ly từng tý", nhật ký của bà Kim Ngọc kể về lần mang thai con gái Nữ Hạnh.

Bà Kim Ngọc cùng con gái Nữ Hạnh năm 1938. Những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình đều được ông Huyên tự tay chụp lại. 

Nhiều người tiếp xúc với bà Ngọc đều có chung nhận xét rằng bà xuất thân lá ngọc cành vàng, lại là phu nhân của bộ trưởng, nhưng rất bình dân, giản dị, không hề thể hiện tầng lớp của mình.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông Huyên khi ấy là Bộ trưởng Giáo dục, lo di tản cơ quan Bộ lên chiến khu Việt Bắc. Thời kháng chiến, giây phút vợ chồng ông cùng 4 người con được đoàn tụ rất hiếm hoi. Chăm lo công việc của ngành, bộ trưởng Huyên thường đạp xe từ chiến khu đi khắp các nơi để làm việc. Ông vắng nhà thường xuyên, việc nuôi dạy các con chủ yếu do bà Ngọc đảm nhận.

Suốt 9 năm kháng chiến, cả gia đình ông và các gia đình bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn ở bên nhau, khi Phú Thọ, lúc Tuyên Quang. Từ trái sang là 7 đứa trẻ của ba gia đình kháng chiến: Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Hồ Thể Lan (đứng sau), Hồ Đắc Thuyên, Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hạnh... sau này đều trở thành những tài năng có nhiều đóng góp cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của ông Huyên, chia sẻ: "Cha không bao giờ áp đặt tương lai cho con cái mà luôn để cho các con tự lựa chọn điều mình thích. Ông chỉ khuyên chúng tôi độc lập suy nghĩ, làm việc gì cũng phải đào thật sâu thì mới có niềm say mê, từ đó mới thành quả có ích cho mình và cho xã hội. Tấm gương của cha mẹ đều giúp chị em chúng tôi hình thành nhân cách". Cả bốn người con Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Nguyễn Văn Huy đều thành danh trên con đường đi riêng của mình.

Ông Huyên chơi cùng các cháu ngoại. Trong số các con cháu của ông có nhiều người cống hiến lớn cho xã hội, như con rể là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cháu ngoại Nguyễn Lân Hiếu... Ngoài ra, người chị cả của ông tên Nguyễn Thị Mão (vợ ông Phan Kế Toại) là nữ giáo viên dạy toán đầu tiên của Hà Nội. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời ngày 19/10/1975 khi sang Đức làm phẫu thuật. 58 ngày sau khi ông mất, bà Ngọc viết di chúc dặn dò con cháu chuyện mai sau. Bà viết: "Mẹ nghĩ dù sao cũng để vài ý nghĩ cho các con, các cháu để làm lưu niệm. Để các con nhớ cha, nhớ mẹ, đọc lên ý nghĩ của người mẹ suốt 40 năm sống bên cha các con, chỉ một lòng xây đắp tổ ấm của gia đình ta ngày ngày tươi đẹp, ngày ngày rực rỡ, ngày ngày đắp thêm, vun thêm hạnh phúc tuyệt vời...". 13 năm sau ngày bà mất, các con bà mới thấy được di chúc trên.

Khi về với bộ trưởng Huyên ở thế giới bên kia, bà để lại nhiều cuốn nhật ký về chồng, con cháu. Mỗi cuốn là một tác phẩm với các hình ảnh của chính bà. Bà cũng lưu giữ lại các tài liệu khi làm kỹ thuật viên bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày, thư từ, tài liệu của ông. Tất cả kỷ vật trên đều được lưu giữ, tập hợp tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. "Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố. Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình. Hơn 400 hiện vật trong bảo tàng không chỉ kể lại câu chuyện của hai người mà còn kể về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả những thời kỳ lịch sử của đất nước", tiến sĩ Huy chia sẻ.

Hoàng Phương