Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 13/11/2014, 10:17 (GMT+7)

Người đàn ông tàn tật mở xưởng điêu khắc cho thiếu niên hư

Bị bại liệt từ năm 4 tuổi, anh Lê Tiến Vĩ (35 tuổi, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) đã vượt qua bệnh tật để trở thành chủ một xưởng điêu khắc tạo công ăn việc làm và dạy nghề miễn phí cho các thiếu niên hư hỏng trong làng.

Sinh ra trong gia đình có tới 7 anh chị em, năm 4 tuổi, sau một đêm sốt,  đôi chân của Vĩ bắt đầu co quắp rồi không cử động được. Gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi đành chấp nhận đứa con mang cảnh tàn tật suốt đời. Hằng ngày phải đi trên đôi nạng gỗ để đến trường nhưng thành tích học tập nhiều năm liền của cậu học trò khiến cho bạn bè phải nể phục.

Lên cấp 3, trường cách nhà hơn 10 km đường đồi núi, cha mẹ lại nghèo không có tiền cho con thuê trọ, Vĩ đành chấp nhận dang dở việc học hành. Về nhà chỉ làm được công việc vặt trong nhà, thấy mình vô dụng, không giúp được gì cho gia đình, Vĩ giấu cha mẹ đi xin việc khắp nơi. Với cơ thể tàn tật, đi đâu anh cũng được đáp lại bằng cái lắc đầu. "Năm 19 tuổi, một lần tình cờ đi ngang qua xưởng điểu khắc trong xã, nhìn những người thợ đang chạm trổ tôi thấy thích thú, rồi bén duyên với nghề từ đó", anh nhớ lại.

"Đôi chân bại liệt nhưng vẫn còn đôi tay, mà nghề điêu khắc chỉ cần bàn tay tinh xảo với ý chí nên mình quyết định xin vào học nghề ở đây", anh Vĩ nói. Với sự nỗ lực, chỉ sau hơn một năm học việc anh đã trở thành một thợ điêu khắc lành nghề và xin làm việc tại đó. Từ một kẻ tàn tật vô dụng, phải ăn bám gia đình, anh trở thành người "chống cả gia đình trên đôi nạng gỗ" với thu nhập đều đặn mỗi tháng.

Sau 10 năm làm thuê, đến năm 2009 với chút vốn dành dụm được, anh Vĩ quyết định mở xưởng điêu khắc riêng. Cơ sở điêu khắc ban đầu được dựng trên phần đất trống của gia đình chỉ bằng tấm bạt và vài ba người thợ. Sau một thời gian ngắn, với số tiền tích góp được anh đầu tư mở rộng. "Sản phẩm làm ra lúc đầu không có đầu ra, tôi phải mang nó đến các cửa hàng tận Đà Nẵng, Hội An... để chào hàng", anh Vĩ kể. Công việc làm ăn suôn sẻ giúp xưởng của anh thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm.

Ở quê ít việc để làm, các thiếu niên trong làng bỏ học về nhà đều lêu lổng, suốt ngày phá làng phá xóm. Nhìn thấy cảnh đó, trong khi xưởng đang làm ăn được nên anh Vĩ đến từng nhà để cảm hóa rồi nhận dạy nghề miễn phí cho các em.

"Lúc đầu nhiều em quen cuộc sống lêu lổng với trò chơi điện tử, rượu chè… nên không chịu đựng được đòi bỏ học, vì vậy ngoài dạy nghề ra mình phải dạy thêm cho các em cả những kỹ năng sống", anh Vĩ cho hay.

Hầu hết các em học nghề ở đây đều bỏ học giữa chừng, có những em chỉ học hết cấp 1, thiếu sự quản lý của gia đình rồi đi theo bạn chơi bời. "Mình nhận các em vào không chỉ muốn truyền nghề mà còn dạy dỗ các em trở thành người có ích cho gia đình. Đó là cả một chặng đường khó khăn nên mình phải cần mẫn chỉ dạy ân cần cho các em từng chút một", chủ xưởng điêu khắc nói.

Ngoài các thanh thiếu niên hư hỏng trong làng, anh Vĩ còn nhận các em có hoàn cảnh khó khăn để dạy nghề miễn phí. Đến nay xưởng điêu khắc của anh có gần 20 người trong đó hơn một nửa đã trở thành thợ lành nghề với thu nhập ổn định. Sau khi học việc xong, nếu không muốn đi nơi khác làm việc, anh Vĩ lại nhận các em làm công tại đây với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng tùy theo tuổi nghề.

"Với thu nhập 6 triệu đồng mỗi tháng, mình không những giúp đỡ gia đình trang trải cuộc sống mà còn có một số tiền tích góp", Nguyễn Văn Á, một người thợ ở đây, cho hay. Á bỏ học từ năm lớp 7 rồi theo bạn bè chơi bời lêu lổng, giờ chàng trai 22 tuổi này đã có 5 năm tuổi nghề và đang là một trong những thợ giỏi nhất của xưởng.

Cảm phục trước ý chí của anh Vĩ, chị Nguyễn Thị Thương đã đem lòng yêu thương người đàn ông tật nguyền này. "Trước đây Thương là hoa khôi của trường cấp 3, học xong vào xin làm kế toán ở xưởng điêu khắc nơi mình đang làm việc", anh Vĩ cho hay. Năm 2011, đám cưới của anh chị diễn ra.

Anh Vĩ cho biết sắp tới sẽ mở rộng xưởng điêu khắc. "Tôi định xin chính quyền cho thuê đất để mở rộng hoạt động đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho con em trong vùng", ông chủ của xưởng điêu khắc nói.

Tiến Hùng