Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 28/10/2014, 14:24 (GMT+7)

Người tiếp lửa cho làng mộc

Bằng cách truyền dạy cho nhiều lớp thanh niên trong và ngoài làng mộc Kim Bồng, Quảng Nam, nghệ nhân Huỳnh Ri đã vực dậy làng nghề trăm tuổi tưởng chừng đã mai một.

Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ thế kỷ 16, làng bắt đầu tập trung vào nghề mộc và nổi tiếng trong ngoài nước với nhiều sản phẩm đồ gia dụng, đóng thuyền, dựng đền chùa. Đặc biệt các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã để lại rất nhiều dấu ấn tài hoa trong những cột kèo nhà cổ và đồ gỗ nội thất ở Hội An, trong một số cấu trúc gỗ Hoàng Thành cố đô Huế và nhiều nơi khác trong cả nước.

Sau chiến tranh, làng mộc mai một dần và đứng trước nguy cơ thất truyền. Khi ấy, nghệ nhân Huỳnh Ri là truyền nhân cuối cùng đời thứ 12 của làng mộc còn hoạt động cầm chừng. Sau những chuyến đi thực tế làng nghề truyền thống ở phía Bắc, ông nhận thấy tiềm năng rất lớn của nghề mộc quê hương và đã kiến nghị kết hợp cùng chính quyền khôi phục mộc Kim Bồng.

Ý thức phải “tiếp lửa cho thế hệ kế cận”, trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu phục dựng, cha con ông Ri đã mở ra những lớp đào tạo đầu tiên. Ông kể: “Dưới sự tài trợ của UNESCO, chúng tôi đã truyền dạy nghề cho 30 học viên chính quy vào năm 1996, tất cả các em đều là thanh niên tại làng Kim Bồng”. 

Đến nay làng nghề có khoảng 200 thợ làm việc trong 18 cơ sở sản xuất đồ mộc. Nhiều học viên đã có thể mở cơ sở riêng, một số chuyển sang địa phương khác tiếp tục phát triển nghề.

Anh Hoàng Trung Châu là một trong số những học viên được nghệ nhân Huỳnh Ri đào tạo. Anh đã mở riêng cơ sở sản xuất đồ mộc với thế mạnh về đồ gia dụng, tượng thờ cúng. Anh cho biết thu nhập trung bình của mỗi thợ hoạt động tại cơ sở của anh mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.

Anh Huỳnh Sướng, người con thứ năm của ông Huỳnh Ri, là một trong những "đệ tử chân truyền" của cha. “Trước đây tôi rời quê hương để vào Sài Gòn lập nghiệp và làm đủ nghề, sau một thời gian tôi quyết đinh quay về để cùng cha phát triển và làm giàu bằng nghề mộc truyền thống”, anh nói.

Sau khi trở về, nghệ nhân Huỳnh Sướng tiếp tục cùng cha sản xuất nghề mộc tại xưởng mộc gia đình. Bên cạnh những sản phẩm gia dụng, điêu khắc truyền thống…, anh cùng các người thợ khác luôn tìm tòi và nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gia đình ông Ri đang quản lý hai cơ sở sản xuất mộc với hơn 30 thợ lành nghề. Sản phẩm của gia đình ông nói riêng và làng mộc Kim Bồng nói chung giờ đây đã nổi tiếng và được đặt hàng để xuất khẩu.

Hàng ngày bên cạnh việc sản xuất tại xưởng mộc gia đình, cha con nghệ nhân Ri vẫn tiếp tục truyền dạy cho nhiều học viên mới. “Bây giờ tiếng lành đồn xa, không chỉ có các thanh niên trong làng mà còn có nhiều em đến từ các nơi khác trong cả nước theo học”, ông chia sẻ.

Cùng với những đóng góp trong việc phục dựng làng mộc Kim Bồng, cha con ông Ri cũng đã gặt hái rất nhiều thành công từ các hội thi nghề thủ công với nhiều sản phẩm độc đáo. Cả hai ông Huỳnh Ri và Huỳnh Sướng đều được nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Ri vẫn cần mẫn với nghề. Những đường nét chạm trổ của ông trên các sản phẩm mộc vẫn tinh xảo và mang nhiều dấu ấn riêng.

Làng mộc Kim Bồng đã bước vào giai đoạn phát triển nhưng ông Ri vẫn không khỏi trăn trở về lớp kế cận của làng mộc, đặc biệt là những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Ông nói: “Tụi trẻ bây giờ ham thích học những nghề mới, nghề hiện đại hơn nên nghề truyền thống chưa chắc nó đã thích để mà theo. Trước mắt làng nghề tiếp tục duy trì là được”.

Đào Đức Thành