Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 20/2/2015, 00:00 (GMT+7)

Những câu chuyện đời thường phố Hội

Humans of Hội An góp nhặt những câu chuyện về người già mưu sinh, một anh Tây ba lô ở phố Hội, những nghệ sĩ hát bội hay cậu bé Tây cứu chú chó nhỏ.

Một phụ nữ địa phương đang khuân mẻ cá tươi rói từ tàu của chồng mình mang ra chợ bán. Để làm tăng những góc nhìn đa dạng, nhóm nhận hình ảnh từ các thành viên khác rồi dịch qua tiếng Việt hoặc tiếng Anh tùy nội dung gốc. Nhóm Humans of Hội An hoạt động từ tháng 4/2014. Xuất phát là từ ý tưởng của một bạn trong nhóm theo mô tuýp của Humans of New York. 

Ảnh: Drew Hopper. 

"Những buổi chiều rảnh rỗi và ế khách bọn tui thường tụ tập ngồi đây cà phê cờ tướng, cậu chụp tui một tấm thiệt đẹp nhé", cụ già này tâm sự. Nhóm gồm 4 người, những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X. Có người là dân gốc Hội An, có bạn từ xa đến định cư và nặng lòng với mảnh đất phố cổ. Nhóm chủ yếu sử dụng máy phim, màu sắc ảnh mang nét đặc trưng và hòa hợp với màu sắc phố cổ.

Ảnh: Nguyễn Quang Vũ.

"Bác 83 tuổi rồi, nhà có 3 thằng. Hai vợ chồng bác sống với thằng út. Bữa ni ra dọn cỏ từ sáng tới chừ chưa xong. Dọn lấy chỗ trồng rau muống. Mình làm chứ kêu họ làm là mất hai trăm một ngày."

Bức ảnh được ghi lại tại vùng ngoại ô của Hội An. Thành viên trẻ nhất nhóm, Hiền Trung chia sẻ: "Humans of Hội An là nơi mô tả hiện thực đúng của Hội An chứ không tô vẽ và thể hiện qua hình ảnh những chân dung mộc mạc". Không chỉ đi nói cái đẹp duy mỹ vì không phải là trang quảng bá du lịch nên sẽ bao gồm cả cái tốt và cái xấu. Mong muốn của nhóm là đi vào những ngóc ngách nhỏ ở Hội An để tìm ra các câu chuyện mà ít người biết đến, mà chỉ có nhân vật tự trải lòng. 

Ảnh: Skinny Siddhartha.

Chân dung của một chàng Tây ba lô ở Hội An.

Ảnh: Skinny Siddhartha.

Mối quan hệ khăng khít: Ông lão lang thang đang chợp mắt ngủ trưa bên cô chó Xù của mình, vốn là người bạn thân duy nhất của ông. Sau khi nhóm chụp bức ảnh này, cách đây một tháng nhóm được tin là con chó của ông bị đánh bả nên chết rồi. "Giờ ổng cô đơn lắm, ổng buồn trong một khoảng thời gian dài vì cô chó đó là người bạn thân duy nhất. Biết được tin khắp phố ai cũng buồn cho ổng hết".

Ảnh: Humans of Hội An.

"Hôm nay, chúng tôi không có một câu chuyện gì cụ thể. Chỉ có ánh nắng sớm vẽ nên ông cụ". Ảnh được nhóm chụp tại một làng hến cách xa thành phố.

Ảnh: Humans of Hội An.

"Vô tình em biết được mẹ bạn em muốn bán con chó chỉ vì con chó đó hiếu động và hay đuổi bắt gà trong nhà, em nói với mẹ bạn em rằng 'nếu cô bán nó, cô là người xấu và con không qua nhà cô chơi nữa'. May mà cô đồng ý để em nhận con chó và liên hệ bên Trung tâm cứu trợ động vật Việt Nam tiếp nhận nó. Em đặt tên nó là Lucky" - Max Ryan, cậu bé nước ngoài nói tiếng Việt thành thạo đang sống cùng gia đình ở Cẩm Hà, Hội An. 

Ảnh: Humans of Hội An.

"Đêm 14 âm lịch nào cô chú cũng hát bội ở đây hết. Làm ăn đồng lương chút đỉnh của nhà nước, sau buổi diễn bà con cho được bao nhiêu là quý, chia ra cho anh chị em. Cháu nhớ rửa ảnh cho cô chú với, 14 âm lịch tháng sau quay lại chỗ ni là gặp". Hình ảnh gần gũi của một nhóm nghệ sĩ lão thành nỗ lực gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống vào những đêm trăng tròn trong không gian phố Hội qua ống kính những bạn trẻ 8X, 9X.

Ảnh: Humans of Hội An.

"Sông ni ngày xưa nhiều cá lắm con, chừ không còn con tôm con tép mô nữa. Mỗi ngày người ta đánh tầm chục cái thuyền đến thì con mô mà sống nổi". Những lời chia sẻ từ một người dân về sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Khu phố nhỏ với những câu chuyện về những xung đột, bão hòa, hội nhập của các giá trị cũ và mới trong cuộc sống thường ngày, như một bức tranh khảm muôn màu là những gì nhóm muốn gửi gắm đến độc giả. 

Ảnh: Gà.

"Cứ vui đi mà".
"Bác trai người Việt sống ở làng chài hẻo lánh thuộc Hội An với nụ cười hào sảng trên môi. Bác cực kỳ mến khách và tràn đầy lạc quan yêu đời".

Bức ảnh với dòng cảm nhận của Drew Hopper về nụ cười sảng khoái của một bác ở làng chài. Drew Hopper vốn là một cộng tác viên thường xuyên của trang, một thanh niên nước ngoài phải lòng với mảnh đất Hoài phố.

Ảnh: Drew Hopper.

"Em sẽ cố cày khoảng 2-3 năm nữa, kiếm đủ vốn em sẽ về Hội An mở studio hay quán cà phê. Nhất định là phải về Hội An", tâm sự của Việt, họa sĩ trẻ, dân Hội An đang sống trong Sài Gòn.

Ảnh: Humans of Hội An.

"Một phụ nữ Việt quẩy đôi gánh nặng trĩu đầy trái cây và rau củ các loại đi bán dạo trên con phố Hội An. Tôi đi theo bà và để ý thấy bà gánh ít nhất tầm 40 kg hàng trên vai. Tôi thề sẽ chẳng bao giờ mè nheo vì mang vác túi máy ảnh nặng 20 kg của mình nữa, chẳng thấm vào đâu". Dòng chia sẻ của Drew Hopper về đôi quang gánh trĩu nặng của người phụ nữ lớn tuổi mưu sinh bằng nghề bán trái cây dạo, một nghề phổ biến của phụ nữ nơi đây. Bức ảnh đặc tả đôi vai gầy, gồng gánh, chiếc nón lá dãi dầu vì mưa nắng miền Trung và xử lý trắng đen khơi gợi nhiều cảm xúc cho người xem.

Ảnh: Drew Hopper.

"Cứ nửa tiếng bốn lăm phút chú thăm lưới một lần. Bữa nào ngon thì cũng kiếm được trăm hơn (100.000 đồng), không thì cũng vài ba chục đủ tiền chợ. Cũng có khi mấy ông "hé lô" đi tour qua đây chụp hình mình rồi cho thêm, cũng đỡ". Nụ cười hóm hỉnh của một bác ngư dân khi kể về khoản thu nhập kiếm thêm từ du khách Tây đến với Hội An.

Ảnh: Skinny Siddhartha.

"Một cặp vợ chồng già trước căn nhà của mình ở một làng chài Hội An. Các bạn có thể dễ dàng hình dung được gia cảnh chật vật của họ, kiếm sống qua ngày với số tiền mọn bằng nghề chài lưới và bán lại ở chợ. Bác trai bị cụt mất một cánh tay, cuộc sống đã khó còn cực nhọc hơn. Bác gái khi thấy Drew Hopper giơ máy lên chụp ảnh đã chìa tay xin tiền".

Những mảnh đời nhọc nhằn, một mảng màu rất khác, rất cần sẻ chia ở Hội An. Di sản thế giới đâu chỉ có phố cổ, đèn hoa đăng rực sáng những đêm rằm trên sông Hoài hay những nhà hàng rực sáng cho khách Tây. Hội An còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh đang cần mẫn mưu sinh mong mỏi một cuộc sống tươi sáng, đủ đầy hơn. Đó là những mảnh ghép rất khác mà cũng rất thật.

Ảnh: Drew Hopper.

Khánh Ly