Thứ năm, 28/3/2024
Thứ sáu, 24/4/2015, 10:19 (GMT+7)

Nỗi đau da cam 40 năm sau chiến tranh

Chiến tranh đã kết thúc 40 năm, song di chứng của nó vẫn còn để lại với hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam. Phóng viên Damir Sagoljm đi khắp Việt Nam để ghi lại những câu chuyện, nỗi đau dioxin.

Sân bay Đà Nẵng ngày nay nhìn từ máy bay, nơi quân đội Mỹ từng rải chất độc da cam làm rụng lá cây rừng để bộ đội không còn nơi ẩn náu. Sau 40 năm, khu vực này cuối cùng cũng đã được chính quyền và người dân khử độc. Mỹ ngừng rải chất độc da cam năm 1971 và chiến tranh kết thúc vào năm 1975. 40 năm sau, nhiều gia đình chịu đựng đau khổ dai dẳng vì ảnh hưởng chất độc này và phần lớn những câu chuyện vẫn chưa được kể.

Le Dang Ngoc Hung, 16 tuổi, là nạn nhân da cam tại Đà Nẵng. Bố em phơi nhiễm chất dioxin trong thời chiến. 

Đại diện Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam (VAVA) cho biết có hơn 4,8 triệu người dân Việt Nam đã phơi nhiễm với loại chất diệt cỏ và hơn 3 triệu người trong số đó mắc những căn bệnh nguy hiểm. Trong ảnh là cựu chiến binh 63 tuổi, ông Nguyen Hong Phuc, ngồi trên giường cùng cậu con trai Nguyen Dinh Loc, 20 tuổi.

Damir Sagolj đến Đà Nẵng thăm một cặp vợ chồng từng sống và làm việc gần sân bay từ cuối những năm 1990. Hai vợ chồng đi câu cá, bắt ốc và hái rau muống để mang về nhà ăn. Các gia đình nghèo ở khu vực này đã không biết được các con sông và tất cả mọi thứ xung quanh hồ nước nằm bên cạnh đường băng đều bị nhiễm chất độc da cam. Họ đã sử dụng nguồn nước và thực phẩm nhiễm độc trong thời gian dài. Con gái của họ sinh ra với bệnh tật vào năm 2000, lên 7 tuổi thì mất. Họ sinh đứa con trai năm 2008, bé cũng bị bệnh tương tự chị gái. Cậu bé mù và rất ốm yếu.

Tại ngôi làng nhỏ ở tỉnh Thái Bình, Doan Thi Hong Gam, 38 tuổi, giấu mình dưới tấm chăn màu xanh nhạt khi có người bước vào phòng. Bức tường cáu bẩn trong phòng là dấu tích những cơn giận dữ cùa cô. Gấm sống cách ly trong căn phòng này từ năm 16 tuổi  vì bị tâm thần. Cha cô, một cựu chiến binh, đang nằm ở phòng bên cạnh, cũng bị bệnh rất nặng do tiếp xúc trực tiếp với chất độc da cam trong chiến tranh.

Bà Dang Thi Quang va con trai Nguyen Van Binh tại ngôi nhà ở tỉnh Quảng Bình. Thời chiến, bố của anh Binh từng là chiến sĩ trong đội vận chuyển, tiếp tế ở khu vực Mỹ rải chất diệt cỏ. 

Ông Le Van Duan, một cựu chiến binh Việt Nam, bị phơi nhiễm trực tiếp với loại hóa chất diệt cỏ được rải ra từ máy bay của quân đội Mỹ. Lúc ông kể câu chuyện của mình với phóng viên, 2 đứa cháu của ông đang ngơ ngác uống sữa. Cả hai đều bị khuyết tật bẩm sinh do chất độc da cam.

Những trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam đang được chăm sóc tại làng Hòa bình, Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi vào quá khứ 40 năm nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến những em bé mới chào đời, những thế hệ thứ hai, thứ ba của nhiều gia đình.

Cựu chiến binh Do Du Diu ngồi giữa khu mộ tập thể của 12 đứa con, mất do dị tật bẩm sinh. Một số con gái của ông may mắn sống sót nhưng luôn ốm yếu. Ông Diu cũng là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ loại chất diệt cỏ chết người. Mơ ước của ông và vợ suốt 20 năm qua là cố gắng để sinh được một người con khỏe mạnh. Thế nhưng lần lượt những đứa con chào đời với khuyết tật bẩm sinh rồi ra đi. Vợ chồng ông chỉ biết về ảnh hưởng của chất độc da cam khi đứa con thứ 15 ra đời. 

Khánh Ly (Theo Reuters)