Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 1/9/2014, 15:14 (GMT+7)

Nông dân Hà Nội làm nhạc kịch kêu gọi bảo vệ sông quê

Lần đầu tiên người dân làng Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) tham gia diễn kịch miêu tả thực trạng ô nhiễm hai con sông Nhuệ, sông Đáy.

Trong hai đêm 30 và 31/8, người dân hai làng Khúc Thủy và Khê Tang, thuộc xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) xem nhạc kịch miễn phí mang tên "Dòng sông không chảy ngược". Hơn 600 người dân già trẻ, gái trai háo hức tập trung về đình làng.

Làng Cự Khê là một làng quê có nghề truyền thống làm lụa. Con sông Nhuệ, sông Đáy trong xanh năm nào giờ trở nên ô nhiễm, trở thành dòng sông chết. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguồn nước, không khí ô nhiễm và bệnh tật.

Vở kịch “Dòng sông không chảy ngược” thuộc Dự án "Đi và Mở” - một dự án do những người trẻ thực hiện hoàn toàn miễn phí ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục đích của dự án là dùng nghệ thuật để nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.

“Dòng sông không chảy ngược” xoay quanh tình yêu của nhân vật bí thư Thạch với dòng sông Nhuệ quê hương. Những ký ức tuổi thơ tươi đẹp cho đến mối tình đầu đau đớn của Thạch đều gắn với dòng sông Nhuệ. Khi trở thành bí thư xã, ông tìm mọi cách thuyết phục bà con cùng thay đổi để bảo vệ con sông đang dần chết. Nhưng ông Thạch và vợ con mình đã bị cả làng ghẻ lạnh vì đối chọi với miếng cơm manh áo của họ. Vở kịch kết thúc mở bằng căn bệnh ung thư của ông Thạch cùng sự tỉnh ngộ của người dân.

Vở kịch theo phong cách hiện đại nhưng được dàn dựng gần gũi nên thu hút hàng trăm người dân đến xem. Phần cuối vở kịch có sự tham gia của thanh niên địa phương. Họ đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Một người dân địa phương cho biết thêm: "Ở đây bệnh tật vì cái sông này thì nhiều lắm, các cháu cứ hỏi mấy nhà là ra".

Anh Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc sản xuất chương trình, cho biết: "Không ít người quan niệm nghệ thuật là phải ở những nơi sang trọng như nhà hát, triển lãm và chỉ dành cho những người có điều kiện. Chúng tôi muốn thay đổi định kiến đó, tổ chức 2 đêm diễn ở hai làng ven sông Nhuệ. Dù đường xá xa xôi, đi lại vất vả nhưng quan trọng là bà con được tham gia”.

Hơn 70 tình nguyện viên, diễn viên tham gia dự án đã không quản ngại mang nhạc kịch đến với người dân.

Những thành viên khác phải khảo sát ý kiến của người dân để lên kịch bản, lo tài trợ, trang phục, truyền thông... Sát ngày biểu diễn, họ đi về cùng người dân xã Cự Khê để chuẩn bị mọi việc cho buổi biểu diễn chu toàn nhất. Dù biết diễn vào dịp lễ và ở vùng quê sẽ không thu hút được truyền thông, song họ vẫn chấp nhận vì mục đích cuối cùng của dự án là tác động đến người dân địa phương.

Bên cạnh vở nhạc kịch còn có triển lãm tranh “Dòng sông ước mơ” trưng bày 30 bức tranh ý nghĩa nhất của học sinh trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ về con sông quê hương.

Con sông Nhuệ trong xanh với cây cối, hoa cỏ um tùm hai bên bờ, với cá tôm dày đặc dưới sông là ước mơ mà những em nhỏ mong hướng tới.

Con sông cũng là không gian vui đùa cho những đứa trẻ, nơi chúng được thả diều, câu cá, bơi lội...

Đây là những em nhỏ được giải trong cuộc thi vẽ tranh. Theo cô Nguyễn Ánh Tuệ, giáo viên trường Tiểu học xã Cự Khê, học sinh trong trường vô cùng háo hức tham gia cuộc thi và chắc chắn sau sự kiện này những hoạt động bảo vệ nguồn nước sẽ được người dân nơi đây đẩy mạnh rõ rệt hơn.

Phan Dương
Ảnh: Đi và Mở