Thứ tư, 24/4/2024
Thứ sáu, 2/1/2015, 12:33 (GMT+7)

Phận người đằng sau những câu chuyện nghề

"Chuyện của Nghề" là dự án trẻ của ba thành viên sinh năm 1991 đã cùng ghi lại, góp nhặt khoảnh khắc, câu chuyện về những con người trăn trở với nghề nghiệp của họ, ở khắp nơi.

"Anh thợ cắt tóc đường Hồng Hà. Anh không phải là một thợ cắt tóc vỉa hè bình thường như bao người. Anh không nói được, không biết là do bị câm bẩm sinh hay bị tật ở miệng. Một con người theo nhận xét của các bác xe ôm và những người đến cắt tóc là dễ thương và thật thà. Tôi nghĩ đây là một trong những người cắt tóc dễ mến nhất mà tôi từng gặp, ở cái tướng lù khù, cái nụ cười khờ khờ và cái nét mặt hãnh diện khi cắt xong cho tôi cái đầu tóc, kêu tôi nhìn gương rồi giơ ngón tay cái khen đẹp và giơ hai ngón tay cười hì hì khi tôi bảo tính tiền. Điều đó làm cắt tóc vỉa hè trở nên khác biệt hẳn so với cắt tóc trong tiệm hay salon."

Góc nhìn nhiều cảm xúc về nghề cắt tóc vỉa hè được một thành viên "Chuyện của Nghề" chia sẻ. "Chuyện của Nghề" là một dự án phi lợi nhuận ra đời vào ngày 2/11/2014 nhằm chia sẻ các hình ảnh, câu chuyện trên mạng xã hội. Dự án được thực hiện bởi nhóm 1991, gồm ba thành viên là Hồng Vy, Hoàng Giang và Ngọc Huyền.

"Ông Mạng, một người đánh cá biển Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Người ta còn gọi ông là ông Ba. Ông là một trong những người đánh cá cao tuổi nhất còn làm việc bãi biển Phú Lộc này. 72 tuổi, kinh nghiệm hàng chục năm làm việc, lẽ ra ở tuổi này ông có thể ở nhà nghỉ ngơi để con cháu nuôi nhưng ông và vợ vẫn đi kéo lưới hai lần một ngày. Cái máu nghề nghiệp ngấm rồi thì khó mà bỏ được. Cuộc đời ông truân chuyên, thời chiến tranh làm giao liên rồi bị bắt phải làm công binh cho chế độ cũ, sau đào ngũ về phục vụ cách mạng. Sau giải phóng, ông trở về làm một người đánh cá bình thường như bao người, sinh con đẻ cái rồi dựng vợ gả chồng cho chúng. Khi chúng tôi gặp ông, ông vừa làm đám cưới cho con trai út buổi trưa. Thế mà buổi chiều ông lại ra biển tiếp tục công việc của mình"

Hoạt động chính của dự án là gặp gỡ, trò chuyện với những người yêu công việc họ đang làm và chia sẻ câu chuyện về nghề nghiệp khác nhau.

 

"Ông Onn - người chơi kèn saxophone ở Thái Lan. Tôi tình cờ gặp ông khi đang lang thang trong chợ đêm Chatuchak. Ở cái chợ trời bán đủ thứ thượng vàng hạ cám này, có một người Thái gốc Hoa chơi kèn dạo hàng đêm, chơi bất cứ bản nhạc nào theo yêu cầu của khách.

- Thường tôi chơi ở đây, nhưng thỉnh thoảng cũng phải nhảy qua chỗ khác nếu gặp phải cảnh sát đi dọn dẹp. 

- Cậu đến từ Việt Nam à? Hãy để tôi chơi một bản nhạc Việt Nam cho cậu".

Lần đầu tiên, tôi nghe giai điệu thân quen "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi" qua tiếng saxophone của một người đàn ông 81 tuổi giữa chợ trời Bangkok".

"Tiệm" làm khóa ở đường Bạch Đằng. Cái chìa khóa xe máy sắp gãy khiến tôi phải mang đi làm lại cái chìa mới. Vì vậy mà tôi phát hiện ra ở gần nhà có một "tiệm" làm khóa mới xuất hiện. Nói là "tiệm", nhưng thật ra chỉ là một cái bàn máy treo cái bảng hiệu ở lề đường. Cái bàn đặt trước tiệm tạp hóa tôi hay ra mua heo đất, chủ cái bàn máy là ông bác chủ tiệm mà tôi hay thấy đi chở hàng cho vợ bán hàng. Trước thì tôi không thấy cái bàn, bẵng đi cả năm mới để ý thấy. Nhân lúc ông bác làm cho cái chìa mới, hỏi chuyện mới biết ông bác quay lại nghề làm khóa cũng gần một năm trời. Vào nghề làm khóa từ năm 1974, do mải buôn bán mà tạm nghỉ một thời gian. Nay các con đã có thể trông nom cửa hàng, tuổi già nhàn rỗi nên bác đầu tư cái bàn máy gần chục triệu quay lại nghề cũ, vừa đỡ thấy chán vừa kiếm thêm tí thu nhập trong thời buổi khó khăn. Bác kể làm khóa một ngày tính ra cũng vừa đủ ăn.

"20 nghìn đồng cho 2 cái chìa khóa xe, được một câu chuyện", Hoàng Giang, người chụp bức ảnh chia sẻ như thế. Giang đam mê nhiếp ảnh, khao khát khám phá và kể câu chuyện cuộc sống qua những bức ảnh. "Chuyện của Nghề, như một cái duyên, cách để kẻ vụng về giao tiếp như tôi kể chuyện và chia sẻ, là cơ hội để đi và gặp gỡ, là chuyến đi để thấy và để học, là thử thách cho chính bản thân hay đơn giản chỉ là động lực để làm một cái gì đó có ý nghĩa", bạn trẻ sinh năm 1991 này cho biết.

"Tại sao Long lại chơi đàn ở đây?"

"Mục tiêu của mình là muốn quảng bá hình ảnh của nhạc cụ dân tộc. Mình thấy mọi người ở đây vẫn chưa biết nhiều đến đàn bầu."

Long học Kiến trúc ở Huế. Bạn vừa tốt nghiệp, đang học thêm tiếng Đức ở Sài Gòn, với dự định tìm học bổng du học ở Đức. Cây đàn mà Long đang chơi là do chú của bạn làm từ 19 năm trước. Long tự học chơi đàn bầu được 2 năm. Mỗi tuần bạn đều chơi ở trước Bưu điện Thành phố vào buổi chiều tối thứ bảy, chủ nhật. Nhiều khi người ta thấy hay, lại cho bạn một ít tiền lẻ như một lời cảm ơn".

"Với dự án này, chúng tôi không nhắm đến một nhân vật có sẵn. Chúng tôi chỉ trải nghiệm cuộc sống, và cuộc sống sẽ cho chúng tôi gặp những nhân vật hay ho nhất", Lại Hồng Vy, chủ nhân ý tưởng dự án chia sẻ. Họ có thể là anh thợ cắt tóc, bà cụ bán củ năng, cậu thanh niên làm sushi, bác tiến sĩ tại buổi tọa đàm, hay người bạn đang ngồi uống cà phê cùng. Họ có thể là bất cứ ai. Chỉ cần chúng tôi có đủ dũng cảm bước đến và mỉm cười.

"Từ 4h trở đi, người mua lại xếp vòng vây quanh chú. Vẫn bình tĩnh, đôi tay chú thoăn thoắt nhào bột, cán ra thành nhiều vòng tròn bằng nhau như sinh năm, sinh bảy. Rồi thì cũng đôi bàn tay ấy múc nhân, đặt trứng cút vào và xoay một vòng điệu nghệ cho ra một chiếc bánh bao hoàn chỉnh. Thật nhẹ nhàng, từng chiếc bánh trôi tuột vào chảo dầu chiên sùng sục, chậm rãi chín như muốn khiêu khích người người đang nóng lòng đến lượt mình.

Trong 10 phút đứng đợi, tôi để ý chú chỉ ngẩng đầu lên có vài lần để nghe khách gọi, giao bánh hoặc vớt bánh. Ngoài những lúc đó ra, tôi có cảm tưởng người đàn ông này đang đắm chìm trong thế giới bột bánh của mình, không ai có thể làm phiền được. Chăm chú là thế, mà ai đến trước có trước, không bao giờ sai lẫn. Thế mới hiểu tại sao, chú có di dời từ góc này đến góc nọ, người ta vẫn lần tìm cho ra để mua, dù có khi phải đứng chờ khá lâu".

Câu chuyện người bán bột chiên ở gần khu Chí Hòa trở nên sinh động qua sự quan sát say sưa của người kể chuyện.

"Tui viết thơ giùm mà hôm qua người ta không lấy. Hôm nay không tới thì không biết người ta có lấy thơ được không. Những ngày không có ai tới thì tui đọc sách". Một ngày nào đó trong tuần, bạn có thể dành một chút thời gian đến với Bưu điện Sài Gòn và trò chuyện với người viết mướn duy nhất tại đây. Ông sẽ từ tốn kể cho bạn nghe vài câu chuyện trong nghề, giở những bức thư đã bạc màu thời gian và những tấm ảnh đen trắng từ thuở nào. Xin nói chuyện với ông mươi phút, mà thành ra cả tiếng đồng hồ. Xong ra về ông tặng bản photo của bài viết mà ông rất thích''.

Câu chuyện về ông Dương Văn Ngộ, người viết thư độc nhất vô nhị của Sài Gòn qua góc nhìn "Chuyện của Nghề".

 "- Bạn tâm đắc nhất điều gì khi làm MC?
   - Mình sẽ hiểu mình hơn.Trước đây mình chỉ tưởng tượng được công việc của MC radio chỉ là viết, dẫn chương trình. Nhưng vào làm mới biết có những chương trình được tài trợ thì mình còn phải sáng tạo kịch bản, nghĩ ra chuyên mục mới. Nhóm đối tượng chính của kênh của mình là các bạn trẻ. Nhưng ngoài ra cũng có những người nghe lớn tuổi cập nhật rất nhanh, các bác cũng thích những xu hướng mới, những câu nói hay ho. Làm MC còn là tạo cho mình một phong cách riêng, như là câu nói, tiếng động đặc trưng. Ví dụ mọi người chỉ cần nghe cười "hí hí hí" là biết hôm đó mình dẫn chương trình. Hay phải kết hợp với producer tốt. Bây giờ chỉ cần liếc mắt cái là producer biết đưa sting gì vào".

Những chia sẻ về nghề rất thực của một MC trẻ chương trình radio để qua đó độc giả hiểu thêm về một công việc thú vị.

"Nhìn em ngồi nhẫn nại và tỉ mẩn cắt từng mẩu vải vụn, ghép chúng vào từng mảng màu trong bức tranh tổng thể, một sự khâm phục trỗi dậy trong lòng tôi. Em đã làm tranh được hai năm, sau khi kết thúc 5 năm theo học văn hóa tại trường Hy Vọng 1. Những bức tranh em làm ra hôm nay, không đơn thuần xinh đẹp bởi sự khéo léo và kiên nhẫn của em; đó còn là thành quả của sự nỗ lực, lạc quan bước qua mọi rào cản của bản thân. Cuộc nói chuyện của chúng tôi, diễn ra trong thinh lặng, có chăng chỉ nghe được tiếng bút chì rào rạt trên giấy. Nhưng tôi có thể cảm nhận được sự khát khao của em trong việc sống có ích và hòa nhập với thế giới rộng lớn bên ngoài; nhất là khi em hào hứng đứng dậy diễn tả cho tôi biết tương lai em muốn trở thành thợ may áo dài, về quãng đường xe buýt từ Bình Dương xuống Bình Thạnh em tự đi mỗi ngày, về 45 tập truyện Bảy viên ngọc rồng mà em bị mất...

Những ngày này, Khải đang miệt mài làm tranh để chuẩn bị cho buổi bán hàng gây quỹ giúp đỡ trẻ em khuyết tật và trẻ em chậm phát triển ở TP HCM. Ngoài sản phẩm của em, còn có những mặt hàng khác được làm bởi các em đến từ trường khuyết tật. Buổi bán hàng sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật, bạn có thể ghé đến để ủng hộ một vài món bé xinh để chung tay xây dựng ước mơ cho các em. Nếu không việc bạn có mặt cũng đã là một món quà".

Đằng sau mỗi câu chuyện nghề là câu chuyện đời, là số phận, mơ ước ... được các bạn trẻ góp nhặt và chia sẻ.

"Ngày xưa, muốn học nghề sửa máy đàng hoàng phải bỏ ra mấy cây vàng, mà có phải ai có tiền cũng học được đâu. Ông thầy cũng phải nhìn người xem có phù hợp không thì mới nhận dạy. Anh muốn học sửa máy ư? Vậy anh có đam mê với nó không? Anh có sống chết được với nghề không? Phải những người say mê thì ông thầy mới nhận, còn ai mà học sửa để kiếm tiền thì ổng không nhận. Chú thấy nghề này nó bạc lắm, nhiều người cùng thời chú vì cơm áo gạo tiền sau này rồi cũng bỏ nghề. Còn mỗi chú không hiểu sao càng làm càng thấy mê nên còn bám trụ đến bây giờ''.

Câu chuyện nghề của người đàn ông dành gần hết cuộc đời với nghề sửa máy ảnh ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM.

"Duy hiện là kiến trúc sư.

- Nói thật là giờ anh cũng đang hoang mang với nghề này vì chân bước đi vẫn chưa vững.

- Hoang mang là sao hả anh?

- Vì như anh đã nói nghề kiến trúc không phải là những gì đẹp lung linh trên bản vẽ, mà phải biến nó thành thực tế phục vụ cho những nhu cầu cụ thể cho cuộc sống. Để được điều đó thì kiến thức văn hóa xã hội phải thật vững vàng để biết những gì mình thiết kế ra sẽ phục vụ cho những ai, và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới xung quanh. Mà những kiến thức này như anh tự thấy mình còn thiếu nhiều quá.

- Em thấy đúng là các bạn sinh viên kiến trúc hiện nay nếu có thêm cơ hội trau dồi kiến thức văn hóa xã hội thì thật là tốt.

- "Nếu" là không đủ, "phải" mới đúng. Nếu không em chỉ có thể là anh thợ gia công bản vẽ. Kiến thức thì không biết bao nhiêu cho đủ, biết được điều mới mẻ là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì theo anh nghề và cuộc sống không phải đích đến hay đỉnh cao mà nó là con đường để chúng ta bước đi...".

Những trăn trở về nghề nghiệp rất thật của một kiến trúc sư trẻ qua những câu hỏi gợi mở, chia sẻ.

"Người khắc bút máy cuối cùng ở Sài Gòn...".

Những nghề nghiệp độc đáo ở Sài Gòn đang dần bị thất truyền được dự án ghi lại.

 

Ba thành viên nhóm 1991 đang theo đuổi "Chuyện của Nghề" kể những câu chuyện thú vị về mọi nghề nghiệp quanh ta.

Khánh Ly
Ảnh: Chuyện của Nghề