Thứ ba, 19/3/2024
Thứ năm, 25/9/2014, 16:48 (GMT+7)

Số phận khách sạn nổi 5 sao biểu tượng Sài Gòn một thời

Những năm 1990, nhiều người Sài Gòn có thú vui đưa gia đình ra bến sông Bạch Đằng hóng mát và ngắm khách sạn nổi 5 sao neo đậu bên bờ.

Trước khi đến Sài Gòn, Khách sạn mang tên The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động ở Australia một thời gian ngắn thì bị chủ đầu tư bán. Năm 1989, tập đoàn Nhật Bản EIC Development Company mua lại, đưa nó về Sài Gòn hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels. Bức ảnh chụp khách sạn đậu ở Queensland, Australia.

Những năm đầu sau đổi mới, Sài Gòn chưa có nhiều khách sạn cao cấp để đáp ứng nhu cầu của du khách. Do đó, sự có mặt của tòa nhà nổi này ở trên sông Sài Gòn, bên đường Tôn Đức Thắng, trước tượng Trần Hưng Đạo ngày nay, được xem là biểu tượng thành phố thời ấy. Tên chính thức khi giao dịch thuở ấy là Khách sạn Sài Gòn nhưng nhiều người dân thành phố quen thuộc với cái tên “Khách sạn nổi” hay "Nhà hàng nổi 5 sao".

Thời ấy khách sạn nằm cạnh bến phà Thủ Thiêm nối đôi bờ trung tâm Sài Gòn với vùng đất hoang vu nghèo khổ phía quận 2. Với người dân đi phà thì mỗi lần qua lại sông là dịp để chiêm ngưỡng. Ông Trương Thời, nay hơn 60 tuổi, nhớ lại: "Con cái tôi cuối tuần hay đòi ba chở ra đây chơi, trầm trồ ngắm con tàu rực rỡ ánh đèn sáng cả khúc sông Sài Gòn, những con phà chở khách sang bến". 

Lớp 12A4 trường Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, niên khóa 1989-1991 chụp hình lưu niệm trước khách sạn nổi năm 1990. Đối với nhiều thanh niên, học sinh những năm 1990 ở Sài Gòn, đây là một nơi cao cấp mà họ chỉ dám chiêm ngưỡng từ xa. Bà Trần Nguyên Tâm là sinh viên Đại học Tổng hợp TP HCM, thỉnh thoảng cuối tuần cùng bạn bè đạp xe đến tượng đài Trần Hưng Đạo trước khách sạn, ngồi ghế đá trò chuyện và cùng ngắm khách nước ngoài vào ra tấp nập, ước ao có một lần đặt chân vào bên trong...

"Lúc đó nơi đây hoành tráng và lộng lẫy, là biểu tượng vừa gần gũi vừa lạ lẫm với những thanh niên mới lớn như chúng tôi". Bà Tâm tiếc nuối vì bây giờ trưởng thành, có điều kiện để sử dụng dịch vụ cao cấp nhưng khách sạn nổi đã lưu lạc đến nơi khác. Ảnh: Group THPT Võ Thị Sáu 89-91.

Bức ảnh về tòa nhà này trong khung hình của Hpgrumpe năm 1991. Là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89 mét, con tàu này được đóng tại Singapore và hoàn thiện vào năm 1988 với 201 phòng đủ tiêu chuẩn 5 sao, có phòng tập thể dục, sân tennis, hồ bơi... hiện đại. Ngoài ra, khách sạn có 400 nhân viên được đào tạo bài bản. Đây còn là nơi đón tiếp các đoàn khách lớn của lãnh đạo thành phố, tổ chức những buổi hội thảo quan trọng... Giá phòng một đêm cao nhất lên đến 355 USD, bằng cả một gia tài so với mức sống Sài Gòn thời điểm bấy giờ nhưng các phòng luôn được đặt kín.

Đến Sài Gòn, khách sạn mở hai quán bar, Q Bar và Downunder Disco nhanh chóng trở thành tụ điểm vui chơi giải trí ưa thích của khách nước ngoài ở thành phố. 2 bar này như ngọn gió mới thổi vào nhịp sống Sài Gòn về đêm lúc đó còn khá khiêm tốn các hoạt động giải trí, là chốn gặp gỡ, trò chuyện của giới ký giả phương Tây có mặt ở Sài Gòn bấy giờ. Bob và Dave, 2 ký giả nước ngoài chia sẻ trên blog cá nhân: "Ấn tượng về bar khách sạn Sài Gòn bấy giờ với những cầu thang xoắn ốc nhỏ, tinh xảo và có lối dẫn lên đỉnh tòa nhà, nơi đây có một tầm nhìn bao quát thành phố về đêm, đặc biệt là bên kia sông đẹp đến khó tin. Chúng tôi cũng đã bơi trong hồ bơi nhỏ trên tầng thượng, cảm giác khác biệt". Ảnh tư liệu chụp khách sạn nổi về đêm của một ký giả nước ngoài.

Nội thất bên trong khách sạn thời kỳ hoàng kim, hệ thống thang máy, đèn, lan can... sáng bóng, sang trọng. Sau 7 năm hoạt động tại TP HCM, hàng loạt khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố sau đó được nâng cấp hoặc xây mới như Continental, Majestic, Rex, New World… tham gia cuộc đua cạnh tranh khiến khách sạn nổi Sài Gòn “thất thế” trở nên vắng lặng. Thêm vào đó, việc án ngữ ngay bờ sông trung tâm phát sinh nhiều ý kiến cho rằng nó ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. 9h30 ngày 1/4/1997, khách sạn nổi Sài Gòn chính thức nhổ neo rời Sài Gòn lên đường tới Singapore. Theo những người nước ngoài sống tại TP HCM thời ấy, họ đã tổ chức một bữa tiệc vào năm 1997 để tiễn tàu nổi lên đường. Ảnh tư liệu: Park Sang - kwon.

Sau khi nhổ neo khỏi Sài Gòn năm 1997, khách sạn nổi gặp số phận lênh đênh. Công ty Hyundai Asan, chuyên về du lịch của tập đoàn Hyundai đưa tàu về Singapore để tu sửa và đặt tên là Hotel Haekumgang, chuyển đến Bắc Triều Tiên, neo đậu tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang vào năm 2000. Năm 2008, sự cố xảy ra khi một du khách Hàn Quốc bị bắn gần khu vực này, làm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên - Hàn Quốc. Khu nghỉ mát Kumgang ngừng hoạt động. Đã 6 năm qua, con tàu nằm im trên bến cảng, không hoạt động mà cũng không thể đưa đi nơi khác. Nơi đây từng được phía Bắc Triều Tiên chọn làm điểm đến thực hiện chương trình đoàn tụ gia đình. Ảnh do Eric Lafforgue chụp ngày 1/5/2010. 

Con tàu này đã không được duy trì bảo dưỡng trong suốt 5 năm qua. Trong ảnh là lối vào của Haegeumgang, ảnh do Park Sang - kwon chụp gần đây. Các nhân viên công ty Hyundai Asan kiểm tra tình trạng của khách sạn và xác nhận nó vẫn còn nguyên vẹn dù bên ngoài nước sơn đã bong tróc khá nhiều. Đại diện công ty cho biết, họ đang chờ đợi khu nghỉ dưỡng có thể tái hoạt động trong thời gian tới thay vì dời đi, theo nguồn tin từ NKNews.

Khánh Ly Tổng hợp