Thứ ba, 16/4/2024
Thứ hai, 2/2/2015, 18:14 (GMT+7)

Làng nghề khăn xếp ngày cận Tết

Thôn Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định) được biết đến là nơi duy nhất ở miền Bắc có nghề truyền thống làm khăn xếp. Những ngày này khắp thôn hối hả chuẩn bị cho vụ Tết - mùa đắt hàng nhất trong năm.

Người già nhất trong thôn Giáp Nhất còn theo nghề làm khăn xếp là cụ Nguyễn Lê, nay đã 80 tuổi, cũng không biết nghề này xuất hiện ở làng từ bao giờ, tổ nghề là ai, chỉ biết từ bé đã được các cụ truyền nghề.

Làng nhỏ mà có tới 138 hộ làm nghề này. Các hộ chia nhau đảm nhận một trong 7 công đoạn làm khăn do 7 chủ xưởng lớn thuê theo hình thức giao khoán. Cũng như các hộ làm khăn xếp khác, những ngày này cụ Lê đang tất bật làm khăn cho vụ Tết.

Việc làm khăn xếp của cụ Lê diễn ra không tất bật nhưng đều đặn mỗi ngày từ sáng tới tối. Chỉ đảm nhận công đoạn quấn khăn, đồ nghề của của cụ khá đơn giản: vài chục khuôn gỗ tròn các cỡ, kéo cắt vải, một cây dao nhỏ cùng lỉnh kỉnh keo dán, giấy đệm.

Nhận vải quấn khăn do các hộ khác may sẵn, việc của cụ Lê là biến chúng thành những chiếc khăn xếp hoàn chỉnh. Mỗi khi cụ Lê làm khăn, cụ bà Đoàn Thị Trạch (82 tuổi) thường ngồi bên cạnh phụ giúp chồng. Các con đều đã trưởng thành ra ở riêng hoặc quanh năm đi làm xa, công việc làm khăn xếp giúp căn nhà của hai cụ già bớt cô quạnh.

Trên khuôn gỗ mộc, công việc của cụ Lê lặp đi lặp lại: quấn dán vải khăn quanh khuôn gỗ, vừa quấn vừa điều chỉnh sao cho các lớp vải trên khăn phải đều đặn, chắc chắn.

Tưởng đơn giản, nhưng đây lại là phần việc khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả chu trình làm ra chiếc khăn xếp. "Khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý. Non tay hay làm ẩu thì không thể có được khăn đẹp", cụ Lê cho biết.

Do tuổi đã cao, cứ ngồi làm khăn khoảng một giờ là cụ Lê đau mỏi, đầu óc mụ mẫm nên phải nghỉ tay uống trà, hút một hơi thuốc lào. Bộ điếu bát của cụ Lê khá đặc biệt, có vỏ đựng là một chiếc khuôn gỗ làm khăn. Do sức khỏe hạn chế, mỗi ngày cụ chỉ làm được khoảng 20-30 chiếc, kiếm được 50-70 nghìn đồng tiền công. "Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ cho hai thân già sinh sống ở làng quê, không phải xin tiền con cháu", cụ Lê chia sẻ.

Khi khăn xếp đã thành hình trên khuôn, công đoạn cuối cùng là mang phơi nắng cho các lớp keo khô lại. Khăn xếp do cụ Lê làm nổi tiếng đẹp và đều. "Quấn khăn tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và sự cẩn thận, tỉ mẩn cao", cụ Lê cho biết. "Khăn xếp ngày nay so với ngày xưa cũng không khác nhau đáng kể. Duy chỉ có các lớp vải bây giờ được may bằng máy thay vì khâu thủ công nên không chắc chắn bằng".

Dù là nghề truyền thống nhưng nhu cầu khăn xếp không quá lớn, lợi nhuận lại thấp nên ở làng chỉ có những người nhiều tuổi theo nghề. Anh Sự, 30 tuổi, là một trong số rất ít người trẻ ở thôn Giáp Nhất theo nghề này. Những ngày này, khắp nhà anh Sự lỉnh kỉnh vải màu, khuôn gỗ để làm khăn phục vụ dịp Tết.

Để đảm bảo luôn sẵn hàng, các hộ buôn khăn lớn đều có kho dự trữ. Trong kho của gia đình nhà bà Sương (75 tuổi) luôn tích sẵn khăn xếp đủ các loại. "Khăn xếp có nhiều loại cho từng đối tượng, cụ ông hay cụ bà, mỗi độ tuổi khác nhau. Riêng về màu khăn đã có tới 4-5 loại, như màu đỏ cho các cụ 70-80 tuổi, màu vàng cho các cụ 90 tuổi trở lên, màu xanh cho các thanh đồng hầu bóng...", bà Sương cho biết.

Là một trong bảy xưởng lớn ở thôn Giáp Nhất, sân nhà cụ Hy (83 tuổi), những ngày này luôn chất đầy khăn xếp. Dân buôn từ khắp các tỉnh về tận thôn lấy hàng, đem đi bán phục vụ các dịp lễ tết, hội làng, lễ mừng thọ cho các cụ già. Các đợt cao điểm vào tháng giêng, tháng hai hay tháng tám, mỗi ngày nhà cụ Hy xuất vài chục, có ngày lên đến vài trăm chiếc khăn. Giá khăn xếp không đắt, chỉ khoảng 30-40 nghìn đồng mỗi chiếc.

Trước thực tế lợi nhuận từ việc làm khăn xếp không cao khiến người trẻ ở thôn Giáp Nhất không mặn mà với nghề truyền thống, cụ Hy không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, theo cụ Hy, với nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng ngày một phát triển, nghề làm khăn xếp chắc chắn sẽ không bị mai một. "Nghề truyền thống của làng đã có lúc gián đoạn. Đó là những năm sau cải cách, Giáp Nhất không còn nhà nào làm khăn xếp nữa. Hy vọng những năm tháng Giáp Nhất bỏ nghề không bao giờ lặp lại nữa", cụ Hy nói.

Quý Đoàn