Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ bảy, 11/10/2014, 08:47 (GMT+7)

Một thời quá vãng của đường hoa Nguyễn Huệ

Ngày 11/10 đường Nguyễn Huệ ở trung tâm TP HCM bắt đầu thi công xây dựng mới. Cảnh đào cây, xới vỉa hè khiến nhiều người nhớ đường hoa rực rỡ mỗi khi tết đến xuân về, nơi họ tập trung đông nghịt để cùng đếm ngược thời gian đến giao thừa rồi xem pháo hoa.

Đường Nguyễn Huệ thuở xa xưa vốn là con kênh đào Charner nối liền với sông Sài Gòn, sau này bị người Pháp lấp lại và hình thành Đại lộ Charner. Những năm 50 của thế kỷ trước, đại lộ này được mệnh danh là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn, khi ấy được xem như "Hòn ngọc Viễn Đông". Những hình ảnh chụp lại thời kỳ này cho thấy hai hàng cây xanh mát bên con đường thênh thang dẫn đến tòa nhà ngày nay là trụ sở UBND thành phố, phía xa là 2 tháp chuông nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Flick/manhhai.

Chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ đã có từ những năm trước 1975. Từ dưới sông Sài Gòn, mỗi dịp Tết về, hoa từ miền Tây và Đông Nam bộ theo những con thuyền về tập kết ở bến, trên bờ. Hoa trải dài trên đại lộ này tạo nên một khu vực dập dìu người mua bán, khách thưởng lãm. Thiếu nữ Sài Gòn trước 75 đi dạo chợ hoa mặc áo dài tha thướt. Ảnh: Flick.com.

Một kiốt bán hoa trên đường Nguyễn Huệ những năm 66-67 của thế kỷ trước. Ảnh: Yume.vn

Một quán cơm trên đường Nguyễn Huệ được chụp năm 1966. Khi này dọc hai bên đại lộ là những tòa nhà lớn, trụ sở của nhiều cơ quan nên có nhiều quán cơm bình dân để phục vụ nhân viên công sở vào giờ nghỉ trưa. Ảnh: vietnamese.org.au.

Trong ảnh là chợ hoa Nguyễn Huệ đông vui năm 1975. Chợ hoa Nguyễn Huệ cùng chợ chim Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm tham quan được người Sài Gòn ưa chuộng thời đó. Người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn là ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng cái hương vị đặc trưng của chợ hoa Tết. Những tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, rồi cả tiếng leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen thuộc gắn bó với người dân thành phố. Được đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ, được cha mẹ mua cho một que kem hay một cái kẹo bông bằng đường, rồi tung tăng trong không khí vui tươi, hớn hở là những kỷ niệm thơ ấu rất khó quên trong ký ức nhiều người. Khoảng 10 năm nay thành phố quy hoạch lại chợ hoa xuân, đưa chợ hoa ra Công viên 23/9 và biến đường Nguyễn Huệ thành đường hoa vào dịp Tết để người dân du xuân. Chợ hoa Nguyễn Huệ trở thành một hồi ức đẹp và sống mãi trong một thế hệ người Sài Gòn thuở ấy.

Tiểu cảnh ở đường hoa Nguyễn Huệ năm đầu tiên, 2004. Từ đó đến Tết Giáp Thân, tức ngày 20/1/2014, năm nào đường hoa Nguyễn Huệ cũng được tổ chức với diện mạo mới. Không còn cảnh mua bán, chào mời, mặc cả, con đường đầy hoa nhưng được bày biện, sắp đặt công phu, chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du xuân. Một thời niên thiếu sống trong không khí nô nức của đường hoa mỗi dịp xuân về, lớn lên bà Nguyễn Ngọc Anh học tập và định cư nước ngoài nhưng vẫn nhớ về vẻ đẹp đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: duonghoanguyenhue.

Đường hoa Nguyễn Huệ mỗi năm với một chủ đề và ý tưởng trang trí, đã đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan dịp Tết. Để có được một đường hoa đẹp nhất hàng năm, ban tổ chức đã phải tổ chức cuộc thi sáng tạo để tìm những ý tưởng hay nhất cho việc trang trí đường hoa. Đường hoa Nguyễn Huệ trở thành một phần lung linh trong ký ức tuổi thơ Sài Gòn. Những em bé xúng xính trong bộ quần áo tết theo ba mẹ hòa vào dòng người du xuân để thêm hiểu, thêm yêu cái tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Duonghoanguyenhue.com.

Với Trần Kim Châu, cô sinh viên miền Trung ở lại ăn Tết Sài Gòn để kiếm việc làm thêm trang trải cho năm mới, thì đường hoa Nguyễn Huệ là món quà tết ngọt ngào của thành phố mang tên Bác dành cho những người xa quê để vơi đi nỗi nhớ nhà. Ảnh: Duonghoanguyenhue.com.

Sống ở Đà Lạt nhưng đã 10 năm nay, gia đình ông Phan Tùng không bỏ sót một năm nào đến với đường hoa tết. Ghi lại những bức ảnh đẹp bên đường hoa nô nức người, cảm nhận không khí mùa xuân phương nam trên con đường đẹp nhất Sài Gòn đã trở thành thói quen trong nhà. Năm nay đường Nguyễn Huệ sẽ được xây dựng thành quảng trường đi bộ. "Cả nhà tôi biết tin này mà chạnh lòng, thành phố thay đổi nhiều quá khiến những người yêu Sài Gòn không khỏi hụt hẫng", ông Tùng, 65 tuổi chia sẻ. Ảnh:Duonghoanguyenhue.com.

Một khoảnh khắc đẹp của thiếu nữ trong trang phục truyền thống, du xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ. Hình ảnh thiếu nữ duyên dáng bên chiếc áo dài du xuân đã trở thành một dấu ấn, một phần ký ức khó phai. Ảnh: duonghoanguyenhue.com

Sài Gòn về đêm tưng bừng và đầy sức sống với đường hoa tết. Tết Nguyên đán Ất Mùi năm sau, trục đường Nguyễn Huệ đang trong thời gian được rào chắn thi công để hoàn thành dự án đường đi bộ theo đúng tiến độ là tháng 3/2015, nên đường hoa sẽ dời về trục đường Hàm Nghi. Ảnh: Duonghoanguyenhue.com

Khánh Ly (Tổng hợp)