Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 10/3/2015, 10:51 (GMT+7)

Phận già mưu sinh trên đỉnh núi Chứa Chan

Trên 4 km đường dốc với hàng nghìn bậc thang lên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có những người phụ nữ nhiều năm bám núi để kiếm sống.

Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hoặc Gia Lào, là một thắng cảnh hữu tình của Đồng Nai. Cao trên 800 m so với mặt nước biển, thế núi cao, vách đá cheo leo và rừng rậm cùng 4 ngôi chùa trên núi thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Trên các bậc thang dẫn lên đỉnh núi, bạn dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ bán hàng rong hay gánh đồ đạc thuê...

Bà Vũ Thị Kim làm nghề bán xôi đã 5 năm nay. Mỗi buổi sáng bà gánh xôi lên núi bán cho khách hành hương rồi nhặt ve chai đưa xuống núi bán lại. "Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 80.000 đồng đủ nuôi thân tuổi già", bà cho biết.

Bà Kim ở tuổi 71 mệt nhoài trên cung đường mưu sinh, hơi thở trở nên nặng nề hơn trong mỗi chuyến gánh hàng lên xuống núi.

Bà Lương Thị Giao (51 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, Xuân Lộc) bán bánh mì trên con đường này đã 20 năm nay. Gánh bánh mì giúp bà một mình nuôi con cái ăn học sau khi chồng mất sớm.

Để bán được những ổ bánh mì nóng hổi, bà Giao phải dậy từ sớm lấy hàng và leo lên đỉnh núi để kịp bán cho khách tham quan ăn sáng. "Cung đường này đã gắn bó với tôi từ thời con gái, hạnh phúc đơn giản chỉ mong sao bán hết hàng để có tiền chữa bệnh, cho con cháu ăn học", bà Giao tâm sự.

Bà Phan Thị Kiều (65 tuổi) được ví như gánh chợ di dộng cho những người dân sống trên đỉnh núi. Nhiều thực phẩm tươi sống hằng ngày như cá, thịt, rau, bún... được bà mua lại từ chợ dưới xuôi gánh lên bán cho người dân sống hai bên đường núi.

Hơn 20 kg hàng mỗi ngày oằn gánh trên vai của bà Kiều vẫn đều đặn lên núi dù nắng hay mưa.

Bà Nguyễn Thị Sương (65 tuổi) là một trong những người phụ nữ gánh hàng thuê ít ỏi còn sót lại trên đường núi cao này. Mỗi ngày bà gánh đủ thứ hàng lên núi với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng một lượt tùy theo đoạn đường.

Để lấy lại sức lực mỗi đoạn dốc cao, bí quyết của bà Sương là cà phê pha trà đá. Khác với đàn ông và những chàng trai khỏe mạnh, bà Sương cần thời gian nghỉ chân lấy lại sức lâu hơn gấp đôi.

Bà Hai (75 tuổi) quê ở Huế đang kiếm khách giác hơi tẩm quất trên đỉnh núi. Bà cho biết chỉ mong sức khỏe vẫn duy trì để mưu sinh. "Những năm trước tôi thường leo lên đến đỉnh núi, tuy nhiên càng ngày quãng đường càng ngắn lại do tuổi đã cao, sức yếu", bà Hai nói.

Nhiều cụ già không còn đủ sức leo núi nên chỉ ngồi một chỗ cố định để bán vé số.

Hoàng Trường